Sự khác biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2

Có hai loại bệnh tiểu đường chính: tuýp 1 và tuýp 2. Cả hai loại bệnh tiểu đường đều là những bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn điều chỉnh lượng đường trong máu, hay còn gọi là glucose.

Glucose là nhiên liệu nuôi các tế bào của cơ thể bạn, nhưng để đi vào tế bào, nó cần một chìa khóa. Insulin chính là chìa khóa, nó là 1 loại hoócmôn do tuyến tuỵ sản xuất.

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không sản xuất insulin. Có nghĩa là bạn không có chìa khoá.

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không đáp ứng với insulin tốt như họ cần và sau này mắc bệnh thường không tạo đủ insulin. Nói cách khác, chiếc chìa khoá bị hỏng sau 1 thời gian sử dụng.

Cả hai loại bệnh tiểu đường đều có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao mãn tính . Điều đó làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường

Các triệu chứng thường gặp của người bệnh tiền tiểu đường là:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cảm thấy rất khát và uống rất nhiều
  • Cảm thấy rất đói
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Nhìn mờ
  • Có vết cắt hoặc vết loét không lành

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cũng có thể bị cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng và giảm cân không kiểm soát. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cũng có thể bị tê và ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân của họ.

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ không có triệu chứng trong nhiều năm và các triệu chứng của họ thường phát triển chậm theo thời gian. Một số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoàn toàn không có triệu chứng và không phát hiện ra mình mắc bệnh cho đến khi các biến chứng phát sinh.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1 phát triển nhanh chóng, thường trong vài tuần. Từng được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên. Loạinày thường phát triển ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên . Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị tiểu đường tuýp 1 trong giai đoạn sau của cuộc đời.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 có thể có tên giống nhau, nhưng chúng là những căn bệnh khác nhau với những nguyên nhân riêng biệt.

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 1

Hệ thống miễn dịch của cơ thể chịu trách nhiệm chống lại những kẻ xâm lược bên ngoài, chẳng hạn như vi rút và vi khuẩn có hại.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh của cơ thể với những kẻ xâm lược ngoại lai. Hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy . Sau khi các tế bào beta này bị phá hủy, cơ thể không có khả năng sản xuất insulin.

Các nhà nghiên cứu không biết tại sao hệ thống miễn dịch đôi khi tấn công các tế bào của chính cơ thể. Nó có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với vi rút. Nghiên cứu về các bệnh tự miễn dịch đang được tiến hành.

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2

Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bị kháng insulin. Cơ thể vẫn sản xuất insulin, nhưng nó không thể sử dụng nó một cách hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu không rõ lý do tại sao một số người trở nên kháng insulin và những người khác thì không, nhưng một số yếu tố lối sống có thể góp phần, bao gồm cả việc lười vận động và mang cân nặng quá mức.

Các yếu tố di truyền và môi trường khác cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Khi bạn phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy của bạn sẽ cố gắng bù đắp bằng cách sản xuất nhiều insulin hơn. Bởi vì cơ thể bạn không thể sử dụng hiệu quả insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu của bạn.

Những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh tiểu đường

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 1 bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Những người có cha hoặc mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ tự phát triển bệnh này cao hơn.
  • Tuổi tác: Bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Địa lý: Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 càng tăng càng xa đường xích đạo.
  • Di truyền: Sự hiện diện của một số gen làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 1.

Bạn có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu

  • Bị tiền tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao
  • Thừa cân hoặc bị béo phì
  • Có nhiều mỡ bụng
  • Lười hoạt động thể chất
  • Trên 45 tuổi
  • Đã từng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (là bệnh tiểu đường khi mang thai)
  • Đã sinh ra một em bé nặng hơn 4 kg
  • Có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 như thế nào?

Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp 1. Những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 không sản xuất insulin, vì vậy nó phải được tiêm thường xuyên vào cơ thể.

Một số người dùng thuốc tiêm vào mô mềm, chẳng hạn như dạ dày, cánh tay hoặc mông, vài lần mỗi ngày. Những người khác sử dụng ống bơm insulin . Ống bơm này cung cấp một lượng insulin ổn định vào cơ thể thông qua một ống nhỏ.

Kiểm tra lượng đường trong máu là một phần thiết yếu trong việc quản lý bệnh tiểu đường tuýp 1, vì mức độ có thể lên và xuống nhanh chóng.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được kiểm soát và thậm chí chữa khỏi chỉ với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng nhiều người cần được hỗ trợ thêm. Nếu thay đổi lối sống là không đủ, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Theo dõi lượng đường trong máu của bạn cũng là một phần thiết yếu của việc quản lý bệnh tiểu đường tuýp 2. Đó là cách duy nhất để biết liệu bạn có đạt được các mức mục tiêu của mình hay không.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thỉnh thoảng hoặc thường xuyên hơn. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao, bác sĩ có thể đề nghị tiêm insulin.

Bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa được không?

Bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể ngăn ngừa được.

Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 thông qua những thay đổi lối sống sau:

  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Tăng mức độ vận động
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và giảm lượng thức ăn có đường hoặc thức ăn chế biến quá kỹ

Ngay cả khi bạn không thể tự ngăn ngừa bệnh, việc theo dõi cẩn thận có thể đưa lượng đường trong máu của bạn trở lại bình thường và ngăn ngừa sự phát triển của các biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, cùng tìm hiểu thêm về 9 hiểu lầm hay gặp về bệnh tiểu đường tại đây.

Mola tổng hợp và lược dịch từ healthline.com

 

 

Greenshift Mart | Gocsuckhoe.Com
Logo
Giỏ hàng